Chủ quan khi đã hạ sốt
Nhiều người chủ quan cho rằng, khi đã hạ sốt thì có nghĩa là bệnh SXH đã thoái lui. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thuý - Trưởng Bộ môn Nhi, Trường ĐH Y Hà Nội cho biết, sốt cao, hạ sốt rồi lại nặng lên, thực ra đó là tiến triển của bệnh SXH. Sốt chỉ là một trong những dấu hiệu bên cạnh đó có các dấu hiệu như: chảy máu ngoài da, xuất huyết ngoài da, xuất huyết nội tạng,... Ngày thứ 3-4, bệnh nhân SXH có thể hạ sốt nhưng không có nghĩa là bệnh thuyên giảm. Nếu xuất huyết nhiều hơn, bệnh nhân nôn, đau bụng nhiều hơn, có thể chảy máu chân răng nhiều,.. là dấu hiệu đáng lo.
Ở trẻ nhỏ không đủ khả năng nhận biết bệnh, cha mẹ cần chú ý dấu hiệu toàn thân. Đứa trẻ có thể đau đầu, nôn liên tục, ... Đặc biệt đứa trẻ chảy máu chân răng nhiều, đi ngoài ra máu, tiểu ra máu,... là dấu hiệu bất thường SXH phải đến bệnh viện.
"Bất cứ bệnh nhân nào có các dấu hiệu cảnh báo như sốt liên tục không hạ, buồn nôn, mệt lả, đau tức vùng gan, xuất huyết dưới da, chảy máu dưới da, chảy máu chân răng, trẻ bỏ ăn, bỏ bú, tiểu ít.... cần đến bệnh viện ngay. Đây là những dấu hiệu cho thấy bệnh nhân có thể có diễn biến nặng trong một vài tiếng tới"- PGS. Thúy cảnh báo.
Đồng quan điểm, ThS.BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng cho rằng, bệnh SXH có giai đoạn 2-3 ngày đầu sốt rất cao, khó hạ, người bệnh khi dùng thuốc hạ sốt thì có hạ, nhưng sau đó lại sốt. Giai đoạn 2 từ ngày 3-7 của bệnh, lúc đó sốt có xu hướng lui dần nhưng có thể xuất hiện các biến chứng nguy hiểm như hạ tiểu cầu gây chảy máu, hoặc thoát dịch gây sốc.
"Trong 3 ngày đầu tiên chúng ta rất khó phân biệt SXH hay sốt do các căn nguyên khác, như sốt do virus. Người bệnh trong thời gian này cần đi khám để xác định sốt do căn nguyên gì. Ở giai đoạn muộn, thầy thuốc cần căn cứ vào diễn tiến của bệnh để xác định có bị SXH hay không, cần làm các xét nghiệm cần thiết, từ đó tiên lượng các diễn tiến có thể xảy ra"- ThS. Cấp nói.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân cần lưu ý khi khu vực mình đang sinh sống có người bị SXH thì cần cảnh giác, nếu có sốt bất thường thì cần đi khám ngay. Bởi SXH không phải chỉ từng cá thể, nó ảnh hưởng tới cả cộng đồng.
Hạ sốt liên tục bằng ibuprofen hoặc asprin
Theo PGS. Diệu Thúy, trong khuyến cáo nói chung ở trẻ em, nên có thuốc hạ sốt tại nhà, đặc biệt khi trẻ sốt vào ban đêm không thể ra ngoài mua thuốc hạ sốt. Ở trẻ em hay dùng 2 nhóm: ibuprofen hoặc paracetamol. Khi bị sốt, lựa chọn hàng đầu là paracetamol là thuốc thông dụng và an toàn, dễ mua.
Trong khi đó, nhóm ibuprofen hoặc aspririn làm giảm tiểu cầu, gây xuất huyết tiểu cầu, làm SXH nặng lên, nên khuyến cáo không dùng. Nếu đi khám, khẳng định SXH thì chắc chắn không được dùng ibuprofen hoặc aspririn.
Sốt bình thường là phản ứng tốt của cơ thể để bảo vệ. Sốt trên 38,5 độ C có nguy cơ gây co giật mới đáng lo lắng. Người dân có thể dùng biện pháp cơ học để hạ sốt như: chườm ấm, uống nhiều nước, không khí điều hòa mát mẻ. Nếu sốt trên 38,5 độ C mới cần dùng thuốc hạ sốt. Liều dùng: 10-12mg/kg cân nặng, và 4-6 tiếng sau mới được uống tiếp. Nếu uống quá dồn dập có thể gây hại gan, thận.
Không cho trẻ bú mẹ khi bị SXH
Nhiều bà mẹ đang cho con bú tỏ ra lo lắng trước thông tin nếu bị SXH thì không được cho con bú mẹ vì sẽ lây bệnh. Tuy nhiên các chuyên gia đã lên tiếng bác bỏ điều này. PGS. Diệu Thúy khuyên các bà mẹ đang cho con bú cần tiếp tục cho trẻ bú mẹ.
Chuyên gia dinh dưỡng PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng khuyến cáo, tại thời điểm bị bệnh thì bệnh nhân cần phải bù nước đầy đủ từ các nguồn, oresol phải pha đúng cách và các sinh tố bù nước, điện giải giàu vitamin C làm vững thành mạch giảm SXH.
Ở cả trẻ nhỏ hay người lớn, do mệt mỏi khi bị SXH nên đều chán ăn nên cần chế biến món ăn lỏng súp, cháo, mềm hợp khẩu vị, đảm bảo duy trì dinh dưỡng. Sau khi hồi phục, cần chế độ ăn dần bù năng lượng, đạm bù đắp lượng chất bị thiếu hụt trong khi bị bệnh, chế độ ăn bồi dưỡng, chế biến dễ ăn phù hợp từng đối tượng.
Các loại sinh tố, các thực phẩm giàu protein như trứng, sữa. Trẻ đang còn bú mẹ thì vẫn tiếp tục bú mẹ, các bé đang ăn bột, cháo thì cần bổ sung dinh dưỡng, thêm sữa chua, sữa công thức, vi chất dinh dưỡng, có thể cho thêm bí đỏ, rau xanh để bổ sung. Các thực phẩm từ thịt, hải sản đều giúp tăng cường đề kháng. Các thực phẩm cần tránh trong quá trình bị bệnh cần tránh các thực phẩm khó tiêu, các thực phẩm chế biến ở nhiệt độ cao như rán, chiên vừa giàu chất béo, chất protein bị kết tủa làm cho quá trình tiêu hóa khó tiêu hóa. Các thực phẩm cần băm nhừ, mềm giúp dễ tiêu hóa hơn.
Ở phụ nữ mang thai bị SXH thì cần chú ý, vẫn phải cần bù dịch rồi giàu vitamin và khoáng chất, nhất là vitamin C, các vi chất như sắt, kẽm đầy đủ giúp năng cao đề kháng của cơ thể. Cần chia nhỏ bữa ăn để đủ khẩu phần dinh dưỡng, tùy theo tháng thai cần nhiều hơn bình thường, ở ba tháng giữa cần nhiều hơn bình thường 10g chất đạm. Ví dụ có thể ăn thêm quả trứng, hoặc 30g thịt hoặc uống cốc sữa bà bầu. Đặc biệt cần phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, có thể uống thêm vi chất đa dinh dưỡng chuyên biệt cho bà bầu để phòng tránh và đảm bảo sức khỏe bà mẹ và thai nhi. Cần tránh bỏ bữa để không ảnh hưởng đến bà mẹ và thai nhi.
Ngủ phòng điều hòa sẽ không bị muỗi đốt?
ThS. Cấp cho biết, thông thường ở nhiệt độ lạnh, muỗi hoạt động kém hơn so với nhiệt độ nóng. Tuy nhiên phải rất lạnh, trong khi nhiệt độ phòng điều hòa thường để nhiệt độ 25-28 độ C, ở nhiệt độ này không giảm được nguy cơ muỗi đốt, muỗi vẫn có thể hoạt động bình thường.
Các chuyên gia khuyến cáo, khi ở trong phòng điều hòa, mọi người thường đóng cửa kín, do đó có thể sử dụng các loại dụng cụ diệt muỗi dễ dàng hơn.
Ở chung cư cao tầng thì không bị SXH?
Không ít các gia đình sống ở chung cư cao tầng cho rằng muỗi không "đủ sức" bay lên tận tầng cao để truyền bệnh SXH. Tuy nhiên đây là suy nghĩ sai lầm. Các chuyên gia cho rằng, càng lên cao thì muỗi càng ít hơn, nhưng không có nghĩa là không có muỗi. Vì vậy, không nên chủ quan.
Các hộ gia đình nên mở cửa phòng thông thoáng, ánh sáng lưu thông giảm nguy cơ muỗi đốt. Tránh đồ đọng nước như lọ hoa, bể cá,.. cần có nắp đậy kín. Có thể sử dụng các phương pháp như máy bắt muỗi, dụng cụ đuổi muỗi cũng rất tốt. Ngủ phải mắc màn, có thể dùng thuốc chống muỗi để tránh bị muỗi đốt...
Chỉ diệt muỗi, “bỏ quên” loăng quăng, bọ gậy
ThS. Cấp cho biết, đối với phòng chống SXH thì việc diệt loăng quăng dễ hơn diệt muỗi vì khi nó còn ở trong vũng nước việc tiêu diệt dễ hơn là khi nó đã là muỗi bay khắp nơi, chúng ta phải đuổi theo để tiêu diệt. Khi đang ở đỉnh cao của dịch, việc phun diệt muỗi rất quan trọng để diệt đàn muỗi đang trưởng thành. Nhưng mỗi người dân không đảm bảo tốt việc vệ sinh môi trường, loại bỏ những vũng nước đọng, sau 1-2 tuần sẽ có đợt muỗi mới nở ra.
“Chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp cả gia đình mắc SXH, thậm chí cả xóm cùng mắc SXH”- ThS. Cấp cho biết.
Trước tình hình dịch SXH gia tăng phức tạp, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng đã có những hướng dẫn rất chi tiết, đảm bảo vệ sinh môi trường, loại bỏ mảnh vỡ, vỏ lon hộp, lốp xe,... những chỗ đọng nước thích hợp để muỗi đẻ trứng sinh ra muỗi, với vũng nước lớn có thể nhỏ dầu hỏa để loăng quăng không nở được, thả cá vào bể nước. Trong gia đình có những lọ nước cắm hoa, khay nước tủ lạnh cũng là nơi muỗi đẻ trứng. Khi đã có muỗi, cần phải diệt muỗi. Muỗi SXH thường hoạt động ban ngày, hoặc chiều tối, vào lúc 5h sáng hoặc buổi chiều, muỗi thường đậu ở những chỗ tối. Phòng tránh muỗi đốt bằng cách mặc quần áo kín, sáng màu, dùng các hóa chất như dầu xả xua đuổi muỗi.
Cũng cần lưu ý muỗi đẻ ở vũng nước sạch, nhưng cũng không nên chủ quan muỗi vẫn có ở những vũng nước bẩn. Nếu không có muỗi, không có loăng quăng, không có muỗi đốt thì không có SXH. Nếu xung quanh nhà có các cống rãnh bẩn chúng ta vẫn phải làm vệ sinh để loại bỏ các loại muỗi truyền bệnh khác, ngoài ra chúng ta cũng cần phải loại bỏ các vật dụng có thể chứa nước xung quanh nhà phòng muỗi truyền bệnh SXH
Nguồn: Suckhoedoisong.vn